Gìn giữ nghề truyền thống mây tre đan ở bản Nà Tấu (Điện Biên)

Mây tre đan là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Thái tại xã Nà Tấu 1, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Những sản phẩm mây tre đan đang được bà con vùng đất này lưu truyền, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào, người dân nơi đây.

Xã Nà Tấu nằm ở phía bắc thành phố Điện Biên Phủ, với khoảng hơn 100 hộ người dân tộc Thái sinh sống. Nghề mây tre đan của bà con nơi đây đã có từ lâu đời, qua bàn tay khéo léo, từ những sợi mây, song, thanh tre, nhiều sản phẩm như bàn, ghế mây, cóm khẩu, lếp hái rau và đựng đồ trang sức, bung gánh thóc, sàng gạo, mẹt… trở thành vật dụng, gắn bó với cuộc sống của bà con.

 

 

Nằm gần Quốc lộ 279, bà con xã Nà Tấu bắt đầu bày bán sản phẩm mây tre đan theo dạng nhỏ, lẻ với những sản phẩm, vật dụng thiết thực với đời sống: bàn ghế mây, cóm khẩu, lếp hái rau và đựng đồ trang sức, sàng gạo, mẹt, đơm, đó… Năm 2010, người dân bản Nà Tấu 1 đã tập trung các hộ gia đình thành 1 hợp tác xã chuyên sản xuất ra các sản phẩm từ mây tre đan để kinh doanh phục vụ bà con tại xã, huyện và các vùng lân cận. Nhiều sản phẩm đã đến với các hội chợ, trở thành mặt hàng được người dân yêu thích.

Ông Lò Văn Cương – Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản phẩm nghề truyền thống Mây tre đan cho biết: “Hiện tại, Hợp tác xã sản phẩm nghề truyền thống mây tre đan bản Nà Tấu 1 có 24 thành viên tham gia sản xuất. Bình quân mỗi thành viên có thu nhập khoảng 1.250.000  đồng/tháng, những người tham gia sản xuất phần lớn có độ tuổi cao tại địa phương. Mức thu nhập tuy chưa cao nhưng cũng thêm thắt vào chi tiêu hằng tháng của mỗi gia đình”.

Đến với gia đình ông Hoàng Văn Phích trên mặt đường quốc lộ 279, rất nhiều sản phẩm mây tre đan được bày bán ở đây. Có nhiều sản phẩm mặc dù hiện nay không còn thông dụng nhưng ông vẫn trưng bày, nhằm giới thiệu với người dân, du khách về những sản phẩm mây tre đan đặc sắc đã từng gắn bó với người dân tộc Thái mà ở đó còn gắn với những câu chuyện, kỷ niệm khó quên. Trong câu chuyện của ông, chúng tôi được biết đến chiếc hòm hay còn được coi là chiếc “két sắt” của người Thái, đó là vật để chứa tiền, vải vóc và những thứ quan trọng  của gia đình. Chiếc hòm đã gắn bó với bà con người Thái có độ dài khoảng 100 năm, vì được đan bằng song, mây nên khi mang, vác khá nhẹ nhàng. Đặc biệt, trong thời kỳ chiến tranh, đây là vật dụng không thể thiếu đối với người Thái, vì mỗi khi nghe tin giặc đến, gia đình sẽ cho đồ vật quan trọng rồi gánh vào hang, rừng tránh giặc...

Ông Hoàng Văn Phích với các sản phẩm mây tre đan tại gia đình nằm trên quốc lộ 279

Ông Hoàng Văn Phích cho biết, trước đây ông là lao động chính trong gia đình, làm những công việc khá nặng nhọc. Nhưng khi hơn 50 tuổi, ông phải chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển hướng sang nghề mây tre đan nhằm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, đến nay ông đã làm nghề được 10 năm. Để làm được các sản phẩm từ mây, tre, ông Hoàng Văn Phích đã học hỏi từ các nghệ nhân già trong xã. Giờ đây, ông đã sản xuất được nhiều mặt hàng, nhưng tại cửa hàng của ông, người dân ưu chuộng và đặt nhiều các sản phẩm như ghế, sàng, đó, giỏ bắt cá…

Ông Phích cũng cho biết, các sản phẩm được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, vì thế để làm ra một vật dụng thì mất khá nhiều thời gian. Ví dụ như làm hoàn chỉnh một chiếc ghế phải qua các công đoạn, đầu tiên, tre lấy về phải ngâm nước từ một đến hai tháng để chống mọt, sau đó vớt lên để khô hết nước. Tiếp theo, bắt tay vào làm ghế, trước tiên phải quấn vòng tạo khung hình chiếc ghế cho tròn, hai vòng với hai kích thước để đặt phía trên và phía dưới. Tiếp nối, phải cắt cây song, hay vót tre làm chân chống, sau đó là công đoạn lắp ráp. Khi xong phần khung, là lúc đan mặt ghế, đây cũng là công đoạn đòi hỏi người thợ cần sự khéo léo để bề mặt ghế được đan đều và có độ nhẵn. Mặt ghế được hoàn thiện, là lúc hoàn thiện một sản phẩm. Theo ông Phích, phải mất một ngày mới hoàn thiện xong một chiếc ghế, đây cũng là sản phẩm được tiêu thụ nhiều ở đây.

Nghệ nhân Quàng Văn Hặc đã truyền dạy nghề đến với nhiều bà con trong xã

Là một trong những nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề truyền thống mây tre đan, ông Quàng Văn Hặc đã truyền dạy nghề đến với nhiều bà con trong xã, trong đó có ông Hoàng Văn Phích. Nói về các sản phẩm của mình, nghệ nhân Quàng Văn Hặc chia sẻ: “Tôi có thể làm tất cả các loại vật dụng, và làm theo yêu cầu của bà con trong xã. Một trong những sản phẩm được bà con người Thái sử dụng nhiều là bàn và ghế. Để làm ra các sản phẩm mây tre đan không quá khó, nhưng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mẩn và kiên trì”.

Không chỉ sản xuất ra các sản phẩm, nghệ nhân Quàng Văn Hặc còn tham gia dạy, truyền nghề cho nhiều thành viên trong hợp tác xã. Ông cho biết: “Tôi học nghề mây tre đan từ cha của tôi. Hiện nay, gia đình tôi có 6 người con, 2 trai, 4 gái. Trong số đó, có một người con gái đã theo tôi học nghề truyền thống này. Đây là nghề truyền thống của dân tộc Thái, vì thế tôi đã dạy và truyền lại cho bà con trong xã và các thế hệ, mong muốn gìn giữ nét văn hóa cũng như nghề truyền thống không bị mai một, mất đi”.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;