Một nghệ sĩ đa tài, đam mê sân khấu

Mới đây, diễn viên, đạo diễn Tạ Tuấn Minh vinh dự là một trong 42 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10 đợt 2. Là một nghệ sĩ đa tài, trước hết là một diễn viên tài năng, một đạo diễn có những sáng tạo mới mẻ, một biên kịch và một người làm thơ… 

Có những người lựa chọn nghề nghiệp một cách cẩn thận, nhưng cũng có nhiều người lại được nghề chọn. Tạ Tuấn Minh thuộc trường hợp thứ hai. Từng đỗ trường Ðại học Kiến trúc, chỉ vì được bạn nhờ vào vai cho tiểu phẩm thi vào trường Ðại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, lại “bùi tai” khi bạn bảo: hay cũng đăng ký thi cho… vui, thế mà anh lại được lựa chọn vào lớp diễn viên ngày ấy. Chàng kiến trúc sư tương lai đã trở thành một diễn viên. Con đường làm nghề, con đường đời của Minh không bằng phẳng, luôn phải thuyết phục cha mẹ khi gia đình không hề có truyền thống theo nghệ thuật, cũng đã có những giai đoạn anh phải gắng sức để vượt qua những khó khăn lớn. Ðó là những khoảng thời gian vô cùng vất vả và gặp nhiều thử thách. Anh nhớ nhất là khi mới vào đời vào nghề: vừa lấy vợ, vừa được nhận về Nhà hát… không may bị tai nạn khiến anh phải nằm một chỗ trong khoảng thời gian dài. Nhưng những thử thách đó như làm giàu thêm cho anh về mặt tư duy, về những suy ngẫm cũng như “tự đào sâu bản thân” để tìm ra thêm những khả năng của mình. Sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng và đầu tư công sức, tâm huyết, hiện nay Tạ Tuấn Minh đã có một “gia tài” nghệ thuật kha khá. 

Đạo diễn Tuấn Minh đang trao đổi với các diễn viên tham gia diễn xuất trong vở Bóng rối

Với nghề diễn, khán giả màn ảnh nhỏ đã quen mặt, thuộc tên anh với những vai diễn đa dạng. Không như những diễn viên “chuyên trị” một loại vai, Tạ Tuấn Minh có khả năng hóa thân vào nhiều loại vai từ phản diện đến chính diện, vai nào cũng có được dấu ấn, nét riêng nhờ sự nghiêm túc trong nghề nghiệp. Ðó là các vai như Hoàng Kế trong phim Ðối thủ kỳ phùng, Trung (giám đốc PTN) trong Sinh tử, Bắc phim Mặt nạ gương... và hàng loạt vai trong các phim Chuyện học đường, Giám đốc công ty @, Con đường hạnh phúc, Cảnh sát hình sự, Thầy giáo dạy văn, Hoa cỏ may (phần 2)

Tuy nhiên, anh đắm say và dành nhiều tâm huyết cho sàn diễn. Với Tạ Tuấn Minh, sân khấu của những ánh đèn huyền ảo, của những đặc trưng rất riêng cho một tác phẩm nghệ thuật duy nhất trong không gian đó, thời gian đó… đầy sức quyến rũ. Anh tâm niệm, đêm diễn nào cũng là đêm diễn duy nhất, phải làm thật tốt, không cho phép sai sót bởi đêm diễn cứ thế tiếp nối, không cho phép diễn lại như phim trường, như các hình thức nghệ thuật khác… Trên sàn diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, Tạ Tuấn Minh có nhiều vai diễn ấn tượng như Từ Hải trong Kiều, Hamlet trong Hamlet, Thiên trong Lâu đài cát, Sơn “ve sầu” trong Trong cơn giông thấy nắng, Nguyễn Huệ trong Thế sự, Trần Thủ Ðộ trong Thiên mệnh. Ở những vở diễn nổi bật của Nhà hát như Hàng xóm chung cư, Chuyện chàng dũng sĩ, Tội lỗi, Hồn Trương Ba- da Hàng thịt, Ðám cưới con gái chuột... đa phần Tuấn Minh đều đóng vai chính. Vinh dự, cũng là sự ghi nhận đã đến với người nghệ sĩ này khi với vai trò diễn viên, anh lần lượt đạt tới những danh hiệu cao quý của nghề diễn như được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2019 và nay, ở tuổi 44, anh trở thành một trong diễn viên trẻ nhất được phong Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10.

Đạo diễn Tạ Tuấn Minh chúc mừng thành công của các diễn viên tham gia vở Đôi mắt sáng do anh làm Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản

Như nhiều tên tuổi của làng kịch Việt Nam, từ những thành công trong diễn xuất, anh cũng tiếp tục học tập để trở thành đạo diễn. Tạ Tuấn Minh tâm sự, bản thân là người luôn vận động, phải làm một cái gì đó vì rất sợ sức ỳ. Trước đây cố NSND Anh Tú có lớp dạy đạo diễn, anh hay đến lớp để… vừa chơi vừa học lỏm. Anh chịu ảnh hưởng lớn của NSND Anh Tú và khẳng định, những gì mình có được như ngày hôm nay cũng phần lớn nhờ người nghệ sĩ thuộc lớp đàn anh này. Với anh, NSND Anh Tú - như người anh lớn khi góp phần định hướng bước đi trong nghề và ảnh hưởng tới tư duy làm nghề của mình. Bây giờ, có thời gian Tạ Tuấn Minh cũng tham gia giảng dạy, vừa để truyền lửa nghề, vừa là tạo cơ hội tiếp xúc với các bạn trẻ, để bản thân mình luôn có ý thức làm mới chính mình, không lặp lại.

Trong vai trò đạo diễn, anh cũng đã có những thành tích rất nổi bật. Ðó là giải “Ðạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 4 năm 2020 với vở diễn Người tốt nhà số 5. Ðến năm 2023, anh tạo được tiếng vang với vở diễn rất mới mẻ, giàu ý tưởng sáng tạo trong vở kịch đương đại Bóng rối của tác giả Vũ Hoàng Hoa

Ðạo diễn Tạ Tuấn Minh dựng lại kịch bản Người tốt nhà số 5 với những cảm thức về sự sâu sắc của mỗi câu thoại. Anh tận dụng thủ pháp ước lệ của sân khấu để đưa lên sàn diễn những khung cửa với nhằng nhịt dây đan, màng bọc trong suốt, di động linh hoạt để diễn tả mỗi căn hộ, mỗi cảnh đời. Nhân vật tiếp xúc với nhau phải vượt qua những mớ trói buộc giằng rịt đó. Mỗi gia đình “lên sàn” đều có những gợi ý về ánh sáng, về sự chuyển động. Sự giả dối trong tình cảm cặp vợ chồng kỹ sư nông nghiệp, nằm bên nhau mà như cách xa vạn dặm “đồng sàng dị mộng”, không thể đến được với nhau bởi chị vợ luôn phải nín nhịn, anh chồng luôn băn khoăn mình có làm gì sai với vợ đâu. Lúc này, những chiếc khung lại như cảnh chiếc giường của họ với góc nhìn trực diện. Hay tiếng đánh máy chữ nặng nhọc, rất thật, rất tả thực của cặp vợ chồng mà cô vợ luôn không nhận ra hạnh phúc ngay bên mình, anh chồng lại kìm nén mà nai lưng ra để vợ mình được theo đuổi những mộng tưởng. Rồi chiếc cầu thang khuất lấp, để cặp mẹ con bà Ngoạt ra sàn, công kích, chỉ trích đối với người khác... cùng chiếc ban công di động khắp chiều ngang sân khấu. Chỉ có thế, vậy mà sân khấu trở nên linh hoạt, sống động, tận dụng được mỗi tấc của sàn diễn và thực sự bung ra khi những cặp đôi đều không thể che dấu mãi cảm xúc của mình, nhận biết những dối trá trần trụi đằng sau chiếc áo khoác của sự thật. Vở diễn đã thu hút được công chúng dù câu chuyện vẫn là những chi tiết của những tháng năm vất vả gian khó khi xưa như nghề sắp chữ ở nhà in đã là chuyện quá khứ, công việc đánh máy chữ... nhưng những thông điệp sâu sắc sau đó vẫn được thế hệ trẻ cảm nhận đầy đủ.

Tuấn Minh chia sẻ niềm vui cùng các đồng nghiệp Nhà hát tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 đợt 2

Ngược lại, kịch bản Bóng rối lại rất hiện đại, mới mẻ đến mức… nhiều đạo diễn không muốn mạo hiểm. Như cái tên tiếng Anh của vở kịch là Shaddow of the Puppets (Bóng của những con rối), vở diễn là những tầng tầng lớp lớp màn che, là biểu hiện của mỗi người cố gắng sao cho đúng với cái gọi là chuẩn mực của xã hội, của người đời. Cả đêm diễn, người xem thấy tò mò, căng thẳng, trông ngóng để cùng nhân vật tìm hiểu về cái gọi là sự thật bị ẩn đi đằng sau không biết bao nhiêu lớp màn che được vật chất hóa trên sân khấu bằng đủ chất liệu, màu sắc. Người xem bị cuốn hút, bị đánh lừa khi tự liên tưởng tới cái sự thật nào đó to lớn lắm, vĩ đại lắm để rồi thấy rõ, đằng sau những con rối, những cái bóng vật vờ đó… chính là khát vọng được sống thật, được là chính mình, được giải thoát khỏi những trói buộc tự mang, tự áp đặt theo chuẩn mực xã hội. Bóng rối viết về những con người mà xã hội thường dè bỉu là “bóng”, là pê đê… vì vậy, sự thật nội tâm ấy bị các nhân vật đè nén, mạnh mẽ dấu kín đi. Chính vì vậy, khi bóc trần từng lớp từng lớp ẩn dấu đó, vạch vòi để tìm kiếm sự thật ẩn dấu tận sâu thẳm, không dễ đụng tới trong nội tâm con người, không thể không có đau đớn, bi thương. Tác giả kịch bản đã gặp được tri âm là đạo diễn Tạ Tuấn Minh để kết quả là vở diễn Bóng rối với cách thể hiện rất tuyệt vời, rất xứng đáng để được gọi là sự sáng tạo mới mẻ đầy tính thách đố của sân khấu hiện đại. Rất nhiều thủ pháp sân khấu đã được đạo diễn đưa vào cùng với những ánh sáng, âm thanh… ngôn ngữ cơ thể, ngôn từ đối thoại rất đời mà vẫn chắt lọc, rất văn chương.

Đạo diễn Tuấn Minh lên tận sân khấu thị phạm cho diễn viên tham gia vở Bóng rối

Chỉ mới qua hai vở diễn, người xem đã có quyền hy vọng một Tạ Tuấn Minh đầy sáng tạo, đầy ý tưởng trong các xử lý không gian, thời gian kịch cũng như kích thích, tạo cảm hứng cho những diễn viên trong các kíp diễn. Hai vở diễn do anh đạo diễn thực sự là những tác phẩm “ăn khách” đúng nghĩa, vừa có giá trị nghệ thuật, vừa hấp dẫn, ăn khách vì đáp ứng đúng đòi hỏi của tầng lớp khán giả đang mong muốn thấy một sân khấu mới lạ.

Không chỉ là diễn viên, đạo diễn… Tạ Tuấn Minh còn lần lượt bộc lộ sức sáng tạo ở vai trò biên kịch, viết thơ. Với bút danh Thiên Ân, anh đã có những kịch bản mang tính tiểu phẩm ở giai đoạn đầu như Tấm áo Bác Hồ, Lời thề Hypocrat, Vẹt Nam Mỹ, Ngôi sao may mắn...và rất nhiều kịch bản viết cho VOV6.... rồi dần dần anh đã có những kịch bản dài được dàn dựng trên sàn diễn đích thực như Ðôi mắt sáng - Nhà hát Kịch Việt Nam; Những vì sao không tắt (viết cùng Lê Chí Trung) - Ðoàn Chèo Hà Nam; Chuyện thằng Bờm - Nhà hát Chèo Hà Nội; Giấc mơ của Bờm - Nhà hát Tuổi trẻ...

Một buổi dạy của NSND Tạ Tuấn Minh tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Ðời thường, anh luôn quan tâm tới đồng nghiệp. Anh được tin tưởng để giao trọng trách Phó trưởng đoàn diễn cổ điển của Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhiều người quen biết Tạ Tuấn Minh đều rất vui và chân thành chúc mừng anh vì anh xứng đáng với vinh dự này. Một chàng diễn viên có khả năng đa dạng khi vào được đủ loại vai, một đạo diễn luôn đào sâu, luôn có những khát khao sáng tạo cháy bỏng, một người bạn lạc quan, nghĩa tình, một người chồng, người cha hết lòng vì gia đình…

 CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024

;